Wednesday, September 7, 2016

Bệnh viêm gan siêu vi C

 

Bệnh viêm gan siêu vi C (VGSV C) do siêu vi C (HCV) gây nên, mới được phát hiện năm 1989. Siêu vi tăng sinh trong tế bào với mức độ rất cao, trung bình vào khoảng một đến hai triệu bản sao/ml huyết tương. Hiện nay, HCV có sáu type di truyền (đặt tên từ 1 đến 6), phân bố theo từng vùng địa dư khác nhau. Mỗi type có đáp ứng với điều trị khác nhau, vì vậy kết quả điều trị rất thay đổi. Ở Châu Mỹ thường gặp HCV type 1, 2, 3; Châu Âu: type 1, 4; Châu Á: type 1,6. Ở Việt Nam thường gặp HCV với type 1,6 và 2 hoặc 3. 

Hiện nay, bệnh viêm gan siêu vi C (VGSV C) là một vấn đề y tế toàn cầu và là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh về gan. Theo ước tính của nhiều nhà khoa học, có khoảng 3% dân số toàn cầu (180 triệu) bị nhiễm phải siêu vi gây viêm gan C (hepatitis C virus = HCV). Tỉ lệ nhiễm bệnh thay đổi tùy theo quốc gia, trung bình từ 0,1 đến 5%. Ở nước ta, tỉ lệ nhiễm phải HCV thay đổi từ 1 đến 5%, trung bình khoảng 2%. HCV là nguyên nhân của 20% trường hợp viêm gan cấp, 70% của viêm gan mạn tính, 40% của xơ gan giai đoạn cuối, 60% của ung thư tế bào gan, 30% trường hợp phải ghép gan. Bệnh VGSV C, giống như bệnh VGSV B và nhiễm HIV, có ba con đường lây chính: lây qua đường máu và phẩm vật của máu, quan hệ tình dục không an toàn, mẹ-con. Nhưng đối với bệnh VGSV C, tiêm chích ma túy vẫn là con đường chính lây nhiễm HCV, nhưng gần đây tỉ lệ lây nhiễm giảm đôi chút vì người ta có chú ý đến lây nhiễm khi sử dụng chung kim tiêm và ống tiêm. Tần suất đồng nhiễm HCV trên bệnh nhân HIV/AIDS được ước tính vào khoảng 35% và tần suất có thể tăng lến đến 90% ở người nghiện chích ma tuý.
So sánh với dân số bình thường, người nhiễm phải HCV bị giảm chất lượng cuộc sống, khả năng lao động kém và rất cần được chăm sóc về y tế. Chi phí chăm sóc bệnh nhân VGSV C mạn tính rất cao, ngay cả những nước giàu như Hoa Kỳ cũng phải công nhận. Tổng chi phí trực tiếp có liên quan đến sức khỏe do nhiễm HCV mạn tính vượt quá một tỉ đô la vào năm 1998. 
Trong tương lai, từ 1990 đến 2015, chi phí này có thể tăng lên 4 lần ở những người mắc bệnh gan mạn tính. Hiện nay một trường hợp VGSV C được điều trị bằng peg-interferon và ribavirin trong 48 tuần, tiền thuốc đã tốn hết khoảng 30.000 đến 40.000 đô la (chi phí này ở VN thấp hơn nhiều, vào khoảng 150 triệu đồng) và như vậy rõ ràng là VGSV C đã gây ra một tổn thất rất lớn về mặt tài chánh đối với xã hội, thực sự là gánh nặng cho hiện tại và tương lai. 
Bệnh VGSV C lây nhiễm như thế nào? 
HCV, HBV và HIV có những đường lây tương tự. HCV xâm nhập cơ thể qua nhiều đường khác nhau, thường gặp nhất ở người nghiện chích ma tuý (dùng kim chung), người có quan hệ tình dục (khác phái và đồng phái) không an toàn, trẻ có mẹ bị nhiễm HCV. Trước năm 1992, lúc chưa có chương trình tầm soát bệnh VGSV C ở người cho máu, truyền máu là con đường lây quan trọng. Hiện tại, tất cả người cho máu, kể cả người hiến tạng đều được tầm soát bệnh VGSV C nên mức độ lây nhiễm qua con đường này đã giảm rõ rệt. Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, dịch nhiễm HIV/AIDS xuất hiện, tình hình bệnh VGSV C trở nên quan trọng. Qua một số nghiên cứu, nguy cơ lây nhiễm qua đường tiêm chích trung bình khoảng 50 đến 60%, có khi lên đến > 90%. Đối với đàn ông không nghiện chích ma tuý có quan hệ tình dục đồng phái, tỉ lệ lây nhiễm HCV vào khoảng 4 – 8% và gia tăng nhiều hơn ở bệnh nhân nhiễm HIV. Đối với những bà mẹ bị nhiễm HCV, nguy cơ lây nhiễm cho con vào khoảng 1,7%, gia tăng đến 19,4% nếu mẹ nhiễm cùng lúc HIV và HCV. 
Chẳng may mắc bệnh VGSV C, người bệnh bị nhiều biến chứng âm thầm và nguy hiểm trong nhiều năm sau! 
Sau khi HCV xâm nhập vào cơ thể khoảng 15 đến 50 ngày, chỉ có khoảng 20% người nhiễm có biểu hiện nhiễm trùng cấp. Triệu chứng điển hình với vàng da – niêm, men gan transaminases gia tăng (chỉ phát hiện ở 25% bệnh nhân), có nghĩa là bệnh đang hoạt động. Nhiễm HCV cấp có thể tự khỏi trong 10 – 25% trường hợp, như vậy có khoảng 75% bệnh nhân trở thành người nhiễm mạn tính với sự hiện diện của siêu vi trong máu.  Nhiễm HCV mạn tính có diễn biến rất chậm chạp, thường không có triệu chứng gì rõ rệt, nhất là trong 10 năm đầu sau nhiễm trùng. Không đến 20% bệnh nhân VGSV C mạn tính có một số triệu chứng không đặc hiệu như mệt mõi, đau cơ, đau khớp, ăn uống kém,… Một khi bệnh tiếp diễn, viêm nhiễm và hoại tử tế bào gan âm thầm, dần dần sẽ đưa đến xơ hoá (fibrosis). Xơ hoá trầm trọng sẽ dẫn đến xơ gan (cirrhosis). Bệnh lý này có thể gặp trong khoảng 20 – 47% bệnh nhân VGSV C mạn tính. Tình trạng xơ gan ban đầu còn bù sau đó nặng dần đưa đến mất bù với vàng da – niêm, vỡ tĩnh mạch thực quản, báng bụng, hôn mê, cuối cùng là tử vong. 
Như phần trình bày ở trên, diễn biến của nhiễm HCV rất chậm, nhưng sẽ gia tăng nếu bệnh nhân có thêm một số yếu tố thuận lợi như phái nam, tuổi > 40, đồng nhiễm với HBV hoặc HIV, uống nhiều rượu (> 50g/ngày). Diễn tiến xơ hóa nhanh ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch so với người có miễn dịch bình thường. Gần đây, gan hóa mỡ, béo phì, tiểu đường kháng insulin cũng góp phần làm cho tiến trình xơ hóa nhanh và nhiều hơn. 
Điều trị bệnh VGSV C mạn tính 
Điều trị bệnh VGSV C mạn có nhiều tiến bộ trong vòng 20 năm qua, tiến bộ ấn tượng nhất là hiệu quả của phác đồ phối hợp peg-interferon alfa 2a (tên thương mại hiện có tại Việt Nam là Pegasys) hoặc peg-interferon alfa 2b (tên thương mại hiện có tại Việt Nam là Peg-Intron) và ribavirin. Hiện nay, phác đồ này được xem là điều trị chuẩn. Điều cần quan tâm là bệnh VGSV C không còn là bệnh nan y, mà là bệnh có thể điều trị được và điều trị khỏi hoàn toàn. 
Kết quả điều trị dựa vào việc xác định bằng nồng độ siêu vi C dưới ngưởng phát hiện ít nhất 6 tháng sau khi ngưng điều trị đặc hiệu (khoảng 50%). Nếu bệnh nhân nào đạt được tiêu chuẩn vừa nêu được xem là khỏi bệnh (theo dõi trong suốt 5-6 năm không có tái phát). Thêm vào đó, bệnh nhân được xem là khỏi bệnh thì tình trạng xơ hóa hoặc xơ gan giảm bớt, nguy cơ ung thư gan và tử vong đương nhiên giảm. Phác đồ điều trị vừa nêu ở trên còn nhiều tác dụng phụ, dung nạp kém, giá thành cao. Bệnh nhân tham gia điều trị cần tuân thủ hướng dẫn của thấy thuốc chuyên khoa, được giải thích về hiệu quả cũng như tác dụng bất lợi của thuốc, được theo dõi lâm sàng và làm xét nghiệm thường xuyên để đánh giá hiệu quả, tác dụng bất lợi của thuốc cùng những biện pháp điều trị cần thiết. 
Như chúng tôi đã trình bày, hiện nay còn khoảng phân nữa bệnh nhân VGSV C mạn tính không đáp ứng với điều trị hoặc tái phát sau điều trị. Bên cạnh đó, y học chưa tạo được thuốc chủng ngừa hiệu quả và an toàn đển để phòng ngừa bệnh VGSV C. Thuốc điều trị mới, hiệu quả hơn, an toàn hơn, rẻ hơn hiện còn đang nghiên cứu. Dự đoán trong 5 đến 10 năm sắp tới, tỉ lệ điều trị khỏi bệnh có thể tăng từ 40% lên 60 % hoặc 80%, tỉ lệ tái phát từ 20 đến 30% có thể giảm xuống 5 đến 10% hoặc thấp hơn 5%, tỉ lệ bỏ điều trị có thể cũng giảm nhiều từ 20% xuống còn 
khoảng 10%, tỉ lệ không đáp ứng có thể giảm nhiều hơn, từ 20% xuống còn khoảng 5%!
 
Bác sĩ NGUYỄN HỮU CHÍ
Bộ Môn Nhiễm, Đại Học Y Dược TP HCM
Link tải: