Các bạn sinh viên thân mến, Dược khoa của chúng ta là một trong ba cột trụ chính cùng với Y khoa và Điều dưỡng có nghĩa vụ cứu chữa và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, mỗi chúng ta cần phải cô gắng hoàn thiện và đổi mới mình không ngừng.
Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, khoa học phát triển như vũ bão từng giây từng phút đều có những kết quả và tiến bộ mới, các giáo trình hiện hành đôi khi không đủ đáp ứng nhu cầu tra cứu và học hỏi của các bạn. Rất nhiều sinh viên đã tìm đến tài liệu tham khảo chuyên ngành nước ngoài vừa để mở rộng kiến thức vừa có thể bắt kịp nhịp phát triển của thế giới. Nhằm định hướng cho các bạn, chúng tôi nêu lên một vài kinh nghiệm nhỏ ngõ hầu giúp các bạn có một cái nhìn toàn cảnh, để từ đó lựa chọn được cho mình những tài liệu tham khảo tốt nhất, phù hợp nhất. Hy vọng tài liệu nhỏ này sẽ giúp ích được cho các bạn.
1. Những vấn đề khó khăn gặp phải khi bước đầu tiếp cận sách ngoại ngữ chuyên ngành
Các bạn sinh viên năm nhất, năm hai khi bắt đầu đụng đến các sách ngoại ngữ chuyên ngành thường gặp những trở ngại chính như :
1.1. Nền tảng ngoại ngữ phổ thông chưa vững và số lượng từ vựng chuyên ngành chưa đủ
– Rất nhiều sinh viên hiện nay do chương trình đào tạo phổ thông không hoàn chỉnh nên các bạn chưa có nhiều thời gianvà cơ hội phát triển khả năng ngoại ngữ của mình. Đây là một nhược điểm rất lớn. Ngoại ngữ không chỉ phục vụ cho các bạn trong vấn đề chuyên môn mà còn là một kĩ năng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại với xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay. Nhiều bạn đọc một tài liệu tiếng Anh mà mỗi câu, mỗi chữ đều phải tra từ điển sau đó ghép nghĩa lại, đó là một thiệt thòi rất lớn sau này.
– Nói cho cùng thì sách chuyên ngành vẫn là một bản văn diễn đạt bằng ngôn ngữ phổ thông nhưng có thêm các thuật ngữ chuyên môn đặc thù (Terminology). Các bạn lần đầu đọc sách chuyên ngành ngoại văn, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn với các thuật ngữ này. Không có vốn từ vựng phong phú, việc đọc tài liệu của các bạn sẽ không được lợi ích gì.
- Khắc phục như thế nào ?
– Ở đây chỉ đề cập đến vấn đề thuật ngữ, việc trau dồi ngoại ngữ căn bản phổ thông tác giả không dám lạm bàn. Sai lầm lớn nhất của tất cả những sinh viên Dược khoa hứng thú với việc tham khảo các tài liệu ngoại văn để mở rộng tri thức chính là sự hấp tấp, vội vàng. Như đã nói ở trên, vốn thuật ngữ của các bạn hầu như chưa nhiều nếu không muốn nói là zero. Đánh vật với một trang tài liệu mất hơn cả tiếng đồng hồ, trán vã mồi hôi, tay lật từ điển mỏi nhừ !!! Quá tốn thời gian và công sức, kiến thức thu lại chẳng được bao nhiêu.
– Kinh nghiệm cho thấy, các bạn đừng nóng vội, hãy trau dồi vốn thuật ngữ chuyên ngành cho mình trước. Trau dồi như thế nào và ở đâu cho hiệu quả? Các bạn là sinh viên năm nhất, năm hai hãy bắt đầu với các giáo trình chuyên về Thuật ngữ Dược khoa cho người mới bắt đầu. Thuật ngữ Y Dược khoa nói chung đều được cấu tạo bởi các Tiếp đầu ngữ (Prefix) và các Tiếp vĩ ngữ (Suffix) mang nghĩa, do đó biết cách phân tích cấu tạo từ và phân loại thích hợp, các bạn sẽ nhanh chóng nắm được hệ thống thuật ngữ liên quan đến chuyên môn của mình.
– Học Thuật ngữ cũng như học từ vựng ngoại ngữ đều cần sự kiên trì luyện tập và sử dụng thường xuyên. Các bạn hãy dành ra mỗi buổi 1h cho việc học thuật ngữ, chú ý quy luật hình thành mỗi từ vựng với các Prefix và Suffix tương ứng, học một từ có thể nắm được nhiều từ khác. Đừng vội vã, mỗi ngày các bạn hãy cố nhớ tối thiểu 5 từ, tùy theo khả năng của mỗi bạn. Với cách sắp sếp rất khoa học cùng với rất nhiều bài tập vận dụng thú vị trong các giáo trình, chỉ cần một học kỳ các bạn có thể nắm bắt được hầu hết các thuật ngữ cơ bản hay gặp trong Y Dược khoa.
– Giáo trình đề nghị :
- English for Pharmacy Writing & Oral Communication 1st edition (Miriam Diaz-Gilbert Med)
- Pharmacy Terminology 1st edition (Jahangir Moini)
- http://quizlet.com/subject/pharmacy-terminology/
1.2. Quá nhiều sách tham khảo cùng một chủ đề
Xem chi tiết ở phần B
1.3. Chưa có phương pháp tham khảo tài liệu thích hợp
– Phương pháp đọc tài liệu chuyên ngành ngoại ngữ sẽ được đề cập rõ ràng và chi tiết ở một tài liệu khác. Ở đây chỉ nêu lên hai lỗi cơ bản hay gặp
– Thứ nhất : Vừa đọc vừa chuyển ngữ từng chữ từng lời sang tiếng Việt. Đọc và dịch hết một đoạn, quay lại đọc tiếp vì trơn tru hơn, dễ tiếp thu hơn. Đây là sai lầm rất lớn, thời gian đọc rất lâu mà thu được rất ít kết quả.
– Thứ hai : Đọc liên tục nhiều phần kiến thức, ỷ vào trí nhớ không ghi chú các kiến thức mới tiếp thu. Qua vài ngày lại giống như tờ giấy trắng, không nhớ được những gì đã đọc.
1.4. Tâm lý
– Tâm lý là một yếu tố cũng rất quan trọng. Đọc một quyển sách chuyên môn bằng tiếng Việt đã khó khăn, đọc một tài liệu chuyên môn bằng ngoại ngữ càng khó khăn hơn. Vừa phải lĩnh hội xem tác giả muốn nói gì, vừa phải đối diện với một quyển sách dày cộp vài trăm trang trở lên quả là một thách thức. Tuy nhiên các bạn hãy yên tâm, thông thường văn phong trong các tài liệu này rất trong sáng, rõ ràng dễ hiểu và khoa học. Nhiều vấn đề được giải thích và bàn luận rõ ràng hơn cả các giáo trình tiếng Việt.
– Do đó để có thể theo đuổi từ trang mở đầu cho đến trang cuối cùng của một tài liệu tham khảo chuyên ngành bằng ngoại ngữ, các bạn cần có một sự yêu thích và niềm đam mê nhất định. Vừa đọc giáo trình chuẩn tiếng Việt, vừa tham khảo tài liệu, công việc tăng lên gấp đôi, rất nhiều bạn bỏ cuộc giữa chừng. Điều cốt lõi để có được sự phấn khích và say mê, người đọc cần phải dễ dàng nắm bắt và hiểu được những kiến thức trình bày trong sách, người đọc cảm thấy các nội dung đã học ở trường như sáng tỏ và dễ nhớ hơn. Để làm được điều đó, các bạn cần hai yếu tố : khả năng ngoại ngữ và nội lực bản thân. Khả năng ngoại ngữ đã trình bày ở trên, nội lực bản thân xin tham khảo phần 2
2. Kinh nghiệm lựa chọn một tài liệu tham khảo tốt
2.1. Quá nhiều sách tham khảo cùng một chủ đề
– Chưa bao giờ thị trường sách tham khảo chuyên ngành lại phát triển mạnh như hiện nay cả về số lượng và chất lượng. Cùng một chủ đề có không dưới 10 quyển sách. Mỗi tác giả trình bày theo quan điểm riêng của mình nhưng sườn kiến thức thì tương tự nhau.
– Đây chính là một yếu tố gây khó khăn cho những người mới tiếp cận, ko biết dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn. Chọn những tài liệu không thích hợp dễ gây nhàm chán và vô ích.
– SAI LẦM cần tránh : ĐỪNG THAM LAM, hãy tham khảo trọn vẹn một quyển sách, nắm bắt phần lớn nội dung được trình bày rồi hãy tham khảo tài liệu khác cùng loại.
2.2. Thế nào là một tài liệu tham khảo tốt
– Một tài liệu tham khảo chuyên ngành bằng ngoại ngữ tốt phải đảm bảo được hai yếu tố sau : Giá trị tài liệu và sự phù hợp với năng lực nội tại của bản thân người đọc
– Giá trị tài liệu : phần nhiều có thể đánh giá thông qua Tác giả + Nhà xuất bản hoặc những tài liệu kinh điển được cộng đồng khoa học ngành công nhận và sử dụng nhiều trong tham khảo và giảng dạy. Những tài liệu này do những tác giả đầu ngành soạn thảo, dựa trên những chứ cứ và trích dẫn khoa học rõ ràng.
– Sự phù hợp với năng lực nội tại bản thân : người đọc cảm thấy thật dễ hiểu và thâu tóm được toàn bộ nội dung kiến thức.
2.3. Làm sao biết được tài liệu tham khảo nào là cần thiết cho các môn học
– Hỏi trực tiếp Thầy Cô hướng dẫn bạn, Họ là người am hiểu sâu sắc nhất chuyên ngành của mình và những tài liệu nào là cần thiết và bổ ích
– Tham khảo các đàn anh, đàn chị đi trước. Kinh nghiệm của học như thế nào khi chọn sách tham khảo
– Tham gia vào các diễn đàn học thuật Dược khoa nước ngoài, tìm hiểu ý kiến của cộng đồng về các sách tham khảo như thế nào
– Tìm kiếm các chương trình giảng dạy Dược khoa của các trường Đại học danh tiếng thế giới ( Mỹ, Anh, Úc, Canada), tra cứu xem họ sử dụng giáo trình nào để giảng dạy, giáo trình nào để tham khảo. Những giáo trình này đều là kinh điển và uy tín.
– Tác giả cũng đã làm theo các bước này và đã giới thiệu một danh mục các sách tham khảo Dược khoa cần thiết cho các bạn.
2.4. Lựa chọn tài liệu theo năng lực bản thân
– Như đã trình bày ở trên, tài liệu kinh điển nhất không hẳn là tài liệu tham khảo tốt nhất. Sai lầm rất lớn của các bạn khi mới tiếp cận sách tham khảo chuyên ngành đó là thường thụ động, rập khuôn đi theo các Anh chị lớp trên chọn ngay các sách kinh điển nhất, nổi tiếng nhất. Các bạn phải biết rõ một điều tài liệu càng kinh điển, càng uy tín thì nội dung càng sâu sắc và hàn lâm, phải có đủ kiến thức căn bản mới có thể nắm bắt được các nội dung trình bày trong đó.
– Kinh nghiệm cho thấy : CHỌN SÁCH THAM KHẢO TỐT PHÙ HỢP NĂNG LỰC BẢN THÂN LÀ TỐI ƯU NHẤT. Sau khi đã nắm vững căn bản, tiếp tục tham khảo các giáo trình chuyên sâu để nâng cao và có cái nhìn toàn điện nhất.
- Bước 1 : Tự trau dồi khả năng ngoại ngữ phổ thông và Thuật ngữ chuyên ngành
- Bước 2: Tự đánh giá nền tảng căn bản kiến thức của mình. Phần nào mạnh, phần nào yếu. Kiến thức Y Dược khoa là một chuối các mắc xích nối tiếp nhau không thể tách rời.
- Bước 3 : Các môn chuyên ngành liên quan đến sở trường của mình, các bạn có thể đi ngay vào các giáo trình chuyên sâu, kinh điển. Các môn chuyên ngành liên quan đến những kiến thức mình còn yếu thì vừa phải xem lại, bổ sung cho phần yếu, vừa tham khảo những tài liệu cùng chủ đề , đầy đủ, ngắn gọn nhưng ko quá chuyên sâu trước. Sau khi nắm được trọn vẹn các kiến thức mới bắt đầu tìm hiểu giáo trình chuyên sâu để tích lũy thêm kiến thức.CHÚ Ý : HÃY CHỌN MỘT QUYỂN PHÙ HỢP NHẤT CHO MỘT MÔN VÀ HOÀN TẤT NÓ TRƯỚC KHI BƯỚC QUA MỘT QUYỂN KHÁC CÙNG CHỦ ĐỀ.
- Bước 4 : Lên kế hoạch với mục tiêu rõ ràng cụ thể cho từng ngày với số lượng kiến thức cần hoàn thành ( số trang, đề mục nào…)
* Ví dụ 1 : Môn cơ sở – Sinh lý học
- Nền tảng cần thiết : Giải phẫu học, Sinh học ( Sinh học đại cương, tế bào và phân tử ), một ít kiến thức về Vật lý và Toán.
- Sách tham khảo chuyên sâu, kinh điển : Guyton & Hall Textbook of Medical Physiology; Boron Medical Physiology
- Sách tham khảo ngắn gọn, đầy đủ : Constanzo Physiology; Silverthone Physiology, Vander Human Physiology
- Kinh nghiệm : Nếu căn bản của bạn vững vàng, định hướng theo đuổi Dược lý Dược điều trị hãy chọn Guyton/Boron. Nếu không hãy chọn một trong các giáo trình còn lại
* Ví dụ 2 : Môn chuyên ngành – Hóa Dược học
- Nền tảng cần thiết : Hóa hữu cơ, Hóa sinh học, Sinh lý bệnh học, Miễn dịch học
- Sách tham khảo chuyên sâu, kinh điển : Foye’s Medicinal chemistry; Wilson & Gisvold
- Sách tham khảo ngắn gọn : An Introduction of Medicinal Chemistry (Graham Patrick)
- Kinh nghiệm : Nếu bạn có kiến thức các môn căn bản vững vàng, đừng ngại ngần bắt đầu với Foye hoặc Wilson & Gisvold. Tất cả những vấn đề liên quan đến Hóa Dược hiện đại đều có thể tìm thấy ở đây.
- Nếu bạn không nắm vững nền tảng và cũng không có định hướng về Hóa Dược và Sản xuất Thuốc, giáo trình của Patrick là vừa đủ và tốt nhất cho bạn
* Ví dụ 3 : Môn chuyên ngành – Dược lý học
- Nền tảng cần thiết : Sinh học, Sinh lý học, Sinh lý bệnh học,Miễn dịch học, Hóa sinh Y học, Hóa Dược học, Vi sinh vật học
- Sách tham khảo chuyên sâu : Goodman & Gilman, Golan
- Sách tham khảo ngắn gọn : Rang & Dale, Brody’s, Pharmacology (Lippincott’s),
- Kinh nghiệm : Nếu bạn có kiến thức căn bản thật tốt, định hướng theo đuổi Dược lý – Dược điều trị, hãy bắt tay vào G&G và Golan. Mọi vấn đề về Dược lý đều được trình bày cặn kẽ, chi tiết và chuyên sâu.
- Nếu kiến thức căn bản của bạn nhiều lỗ hổng, ko có ý định đi sâu vào chuyên môn này, một trong 3 giáo trình Katzung, Rang & Dale, Brody là quá đầy đủ và thích hợp nhất cho bạn.
* Ví dụ 4 : Môn chuyên ngành – Dược điều trị
- Nền tảng cần thiết : Sinh học, Sinh lý học, Sinh lý bệnh học, Miễn dịch học, Hóa sinh Y học, Hóa Dược học, Vi sinh vật học, Dược lý học, Bào chế
- Sách tham khảo chuyên sâu : Dipiro, Koda-Kimble & Young, Chrisholm-Burns
- Sách tham khảo ngắn gọn : Katzung, Roger Walker, Handbook of Pharmacotherapy
- Kinh nghiệm : Nếu căn bản của bạn thực sự tốt và bạn yêu thích Điều trị, Dipiro/ Koda-Kimble & Young/ Chrisholm-Burns sẽ mang đến cho bạn tất cả những gì bạn cần. Tất cả các vấn đề đều được phân tích và trình bày một cách cặn kẽ và chuyên sâu
- Nếu bạn chỉ cần những kiến thức vừa đủ phục vụ định hướng riêng của mình, Katzung/ Roger Walker là một lựa chọn lý tưởng.
nguồn HN Ebooks